True
Nhược Thị
30 tháng 10, 2020 bởi
SALEM

NHƯỢC THỊ (Amblyopia) là tình trạng rối loạn phát triển thị giác thường xảy ra ở một mắt, làm cho nó không đạt được thị lực bình thường dù có điều chỉnh khúc xạ tối ưu. Nhược thị thường bắt đầu ở giai đoạn sơ sinh hoặc dưới 5 tuổi, làm giảm thị lực dần tiến triển tới mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Để hiểu rõ hơn về nhược thị, tôi xin diễn giải bằng một tình huống:
Bình thường mắt chúng ta chỉ có chức năng ghi nhận hình ảnh và gửi dưới dạng tín hiệu qua dây thần kinh thị giác về bộ não, chính não mới là cơ quan dịch những tín hiệu này thành một “bộ phim” sống động đầy đủ màu sắc, chi tiết để ta “nhìn thấy”.
Như vậy, nếu một đứa trẻ sinh ra bình thường bị che đi một mắt cho tới khi nó 18 tuổi (quá trình phát triển thị giác chấm dứt), não bộ sẽ chỉ tập trung nhận tín hiệu hoàn toàn từ bên mắt không che và lờ qua mắt còn lại. Các cơ quan vận chuyển và dịch tín hiệu từ mắt bị che tới não như bị “thất nghiệp” lâu ngày, trình độ công việc từ đó mà bị giảm sút, kéo theo thị lực giảm dần.
Thực tế lâm sàng cho thấy, chỉ cần một mắt ở trẻ có chức năng hoặc cấu trúc yếu hơn mắt còn lại đều có xu hướng dẫn tới nhược thị. Vậy nguyên nhân của nhược thị là gì?
👉 Lác: là khi hai mắt nhìn về hai hướng khác nhau. Nếu một mắt có thể nhìn thẳng vào vật, trong khi mắt kia xoay trong, ngoài, lên hoặc xuống, để ngăn nhìn đôi não của trẻ sẽ lờ đi tín hiệu hình ảnh từ mắt không nhìn thẳng vào vật. Điều này làm mắt đó bị nhược thị.
👉 Bất đồng khúc xạ: Nếu trẻ có tật khúc xạ như cận thị, viễn thị hoặc loạn thị với sự chênh lệch độ kính lớn giữa 2 mắt mà không được chỉnh kính, (theo nghiên cứu “Refractive errors and amblyopia in children entering school” của Shahrood, Iran năm 2009: chênh lệch > -3.00 D ở cận thị, > +3.50 D ở viễn thị và > 1.50 D đối với loạn thị trục đứng ) mắt có độ kính cao hơn cũng sẽ không được phát triển bình thường. Phụ huynh sẽ khó nhận biết điều này vì trẻ vẫn nhìn rõ khi sử dụng cả 2 mắt, nhưng thực ra chỉ có mắt nhẹ độ hơn đang đảm nhận đúng chức năng của nó.
👉 Tầm nhìn ở một mắt bị che khuất do sẹo giác mạc sau chấn thương, đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc sụp mi có vướng tầm nhìn nếu không được điều trị kịp thời cũng dẫn tới nhược thị.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT:
Như đã nói ở trên, bệnh nhược thị thường chỉ biểu hiện một mắt, trẻ vẫn có thể nhìn rõ và sinh hoạt bình thường với một mắt bình thường. Phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu sau:
📙 Nheo mắt, nhắm một mắt, nghiêng đầu hay thường xuyên liếc mắt khi nhìn
📙 Mất cảm nhận về chiều sâu, không thể ước lượng khoảng cách 1 vật ở xa hay gần, thường với tay hụt khi lấy đồ vật
📙 Khi nhìn theo một vật, một mắt có dấu hiệu lơ đễnh hơn so với mắt còn lại, hai mắt hoạt động riêng biệt hay có sư phối hợp kém.
📙 Mắt lác. Khó nhìn khi tình cờ bị che một mắt
Tóm lại, dấu hiệu của nhược thị rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm của bệnh. Cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ Nhãn khoa để được tầm soát thị lực khi có bất kỳ một triệu chứng nghi ngờ. Bởi vì đây là một trong những nguyên nhân gây mất thị lực hoàn toàn ở trẻ, chiếm tỉ lệ 2 - 4%, theo Hiệp Hội Nhãn Khoa Mỹ (American Optometric Association).
SALEM 30 tháng 10, 2020
Share this post
Tag
Lưu trữ

To install this Web App in your iPhone/iPad press and then Add to Home Screen.