CẬN THỊ LÀ GÌ?
Nếu bạn phát hiện thị lực bị mờ khi cố gắng tập trung nhìn vật ở xa, có thể là bạn bị cận thị.
Cận thị là một thuật ngữ y khoa dùng để gọi tật khúc xạ nhìn xa không rõ ở mắt. Người bị cận thị thường nhìn thấy vật hoặc người ở khoảng cách xa bị mờ, nhưng ngay khi họ lại gần thì sẽ thấy rõ hơn.
TRIỆU CHỨNG CỦA CẬN THỊ LÀ GÌ?
Tật cận thị thường bắt đầu biểu hiện ở tuổi nhỏ. Khi người bị cận thị lớn lên, độ cận sẽ dần ổn định và dừng tăng lên ở tuổi thanh niên. Tuy nhiên ở một số người, cận thị bắt đầu biểu hiện sau khi trưởng thành.
Những triệu chứng thông thường của cận thị bao gồm:
- Nheo mắt
- Đau đầu
- Nhìn rõ ở gần, nhìn không rõ ở xa
VẤN ĐỀ CẬN THỊ TRÊN THẾ GIỚI
Theo tính toán đến năm 2020, sẽ có hơn 2 tỉ người mắc chứng cận thị. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong 30 năm tiếp theo, và tới năm 2050, gần 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc chứng cận thị.
Mọi châu lục đều đang có tỉ lệ người mắc chứng cận thị gia tăng. Riêng tại châu Á – Thái Bình Dương, 66% dân số có khả năng sẽ mắc chứng cận thị vào năm 2050.
Tật cận thị cũng có khả năng biến chứng thành cận thị nặng, với độ cận từ -5.00 đi-ốp trở lên. Theo tính toán đến năm 2020, sẽ có khoảng 300 triệu người mắc tật cận thị nặng. Dự đoán đến năm 2050, tật cận thị nặng sẽ ảnh hưởng khoảng 1 tỉ người. Người bị cận thị nặng có khả năng cao sẽ biến chứng thành các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng, bong võng mạc, đục thủy tinh thể và cườm nước.